Đến dự buổi tọa đàm là đại diện một số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực truyền thông số, đó là chị Lê Thúy Hạnh – Tổng giám đốc Micronet, anh Nguyễn Văn Phương, giám đốc công ty Buzz Digital, anh Hà Tuấn Anh, CEO của Vinalink, đại diện báo chí, phóng viên báo Tiền Phong, anh Cao Nhật cùng nhiều thầy cô và các bạn sinh viên khoa kinh tế và kinh doanh quốc tế.
Mở đầu buổi hội thảo, anh Nguyễn Văn Phương đã gợi mở một thị trường truyền thông số đầy tiềm năng ở nước ta bằng việc đưa ra những số liệu mới nhất: 31 triệu người Việt Nam, chiếm 35% dân số sử dụng internet, con số này tại các thành phố lớn đều xấp xỉ hoặc trên 50%; 60% người tiêu dùng Việt Nam vẫn cởi mở với quảng cáo; Đọc tin tức là hoạt động phổ biến nhất của người dùng mạng với hơn 97%, tiếp đến là các hoạt động trên mạng xã hội, nghe nhạc, xem video…; Việt Nam có 110% dân số sử dụng điện thoại di động, trong đó, 25% là sử dụng smartphone.
Theo thầy Nguyễn Huyền Minh, giảng viên khoa Quốc tế và kinh doanh quốc tế, xu hướng hiện tại chính là truyền thông kết hợp giữa Internet và thiết bị di động. Một vấn đề nổi bật liên quan mật thiết đến truyền thông số trong thời gian gần đây chính là cuộc tranh cãi thế nào là báo lá cải? Những thông tin mà dư luận vẫn gọi là lá cải, có phải thực sự do lỗi của cơ quan báo chí? Và liệu cơ quan báo chí là người định hướng độc giả, hay đáp ứng nhu cầu của họ?
Giải đáp về vấn đề này, anh Cao Nhật chia sẻ: báo chí vốn chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi các cơ quan nhà nước bởi những thông tin nhạy cảm bị kiểm duyệt khá gay gắt. Bản thân việc thông tin bị lá cải hóa là vì người dùng có nhu cầu đọc nó, và có thể coi là sự tất yếu.
Dưới góc nhìn của một trong những người tiên phong trong lĩnh vực truyền thông số ở Việt Nam, chị Lê Thúy Hạnh nhấn mạnh sự thay đổi từ Truyền thông đại chúng (Mass Media) đến Truyền thông cá nhân (Individual Media). Theo đó, mỗi cá nhân đều có thể trở thành nhà báo tự do với những công cụ mạng như social media, blog. Nếu như trước đây thông tin bị kiểm soát, một chiều thì giờ đây, thông tin đa dạng, tư do và đa chiều hơn. Cùng với xu hướng này, nội dung cũng cần phải tập trung vào tính chuyên biệt thay vì những thông tin mang tính chung chung. Có một thực tế là trong khi các phương tiện số đang phát triển với tốc độ chóng mặt, thì những thay đổi về nội dung lại đang không bắt kịp. Đây là một bài toán khá khó và cần nhiều thời gian nghiên cứu và sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức.
Anh Hà Tuấn Anh đến từ Vinalink, lại cho thấy một góc nhìn khác về truyền thông số, đó là khá nhiều rủi ro một doanh nghiệp phải đổi mặt khi sử dụng phương tức truyền thông multi-way communication thay vì one way như trước. 11 rủi ro đưa ra rõ ràng, ví dụ cụ thể, trong đó nổi bật nhất phải kể đến vấn đề bảo vê thương hiệu và bản quyền trên mạng, kiểm soát những thông tin cả tiêu cực lẫn tích cực khi đưa lên mạng, và việc đo lường hiệu quả của truyền thông số.
Một số câu hỏi được sinh viên đưa ra nhận được sự giải đáp nhiệt tình từ phía các diễn giả. Tổng kết lại, có thể thấy Truyền thông số đang có những cơ hội và gặp phải những thách thức không nhỏ tại Việt Nam, nhưng đây vẫn là xu hướng tất yếu của kỷ nguyên công nghệ và khoa học kỹ thuật của thế kỷ 21. Đối với sinh viên, buổi tọa đàm không chỉ mang đến những thông tin bổ ích, mà còn gợi mở cho các bạn một thị trường việc làm đầy tiêm năng ở hiện tại và tương lai.